Top 8 điểm đến hấp dẫn khi đi du lịch Buôn Mê Thuột

Du lịch Buôn Mê Thuột – Với không khí se lạnh, dịu dàng và tĩnh lặng, phố núi Buôn Mê quyến rủ du khách bởi những dãy đồi núi hùng vĩ, những cánh rừng xanh bạt ngàn, những ngọn thác đẹp mê mẩn lòng người, bởi mùi hương ngạt ngào say của hoa cà phê hay bởi những đôi trai gái đang yêu và của cả ánh lửa bập bùng bên nếp nhà dài đơn sơ…Đến du lịch Buôn Mê Thuột du khách còn được thưởng thức đặc sản cơm Lam- Gà Nướng vừa nghe tiếng nước chảy của dòng Sêrepok; tiếng gió hú, tiếng cười rộn vui của những nhịp chân lắc lư cầu treo. Tour du lịch Buôn Mê Thuột của One Travel sẽ đưa quý khách tham quan: Đồng Xoài, Sóc Bom Bo, Bù Đăng, đường mòn Hồ Chí Minh, thác DraySap, sông Sê rê pok, Buôn Đôn, Hồ Lak…

Buôn Mê Thuột – cái tên gợi lên trong tâm trí du khách về chốn rừng thiên bạt ngàn, hùng vĩ, với hương vị rượu cần say nồng trong tiếng  cồng chiên rộn rã. Tất cả tạo nên những đặc trưng rất riêng của Buôn Mê Thuột.

Dành ra vài ngày trải nghiệm xứ sở của núi rừng, chắc chắn du khách sẽ có một chuyến đi khám phá rất thú vị nơi Tây Nguyên nắng gió, nghe kể về những câu chuyện truyền thuyết trong buôn làng và rong ruổi trên những con đường huyền thoại.

Buôn Mê Thuột là cách gọi của người dân tộc Ê Đê và Lào tại Buôn Đôn nghĩa là làng của Mẹ Thuột, là thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên, độ cao 536 km, cách Hà Nội 1.410 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Dù là thành phố miền núi và có nhiều buôn làng dân tộc nhưng tốc độ tăng trưởng của Buôn Mê Thuột rất nhanh. Tuy có khá ít địa điểm du lịch nhưng thành phố vẫn thu hút rất nhiều du khách đến trải nghiệm vì con người ở đây rất thân thiện, hương vị café rất đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên và cuộc sống người dân phố núi đậm đà và đa dạng bản sắc văn hóa.

1. Ngã Sáu Buôn Mê Thuột

Ngã Sáu Thành phố Buôn Ma Thuột
Ngã Sáu Thành phố Buôn Ma Thuột

Ngã 6 Buôn Mê Thuột còn được gọi với cái tên rất mỹ miều đó là ngã 6 Ban Mê. Tọa lạc tại vị trí trung tâm thành phố và được coi là biểu tượng của thành phố, cũng giống như tượng nữ thần tự do tại Mỹ hay tháp Eiffel tại Pháp vậy. Ngã 6 Ban Mê đã rất nhiều lần đi vào thơ ca và là một địa điểm yêu thích du khách không thể bỏ qua khi đến Buôn Mê Thuột.

Ngã 6 Ban Mê là điểm xuất phát của 3 con đường trung tâm đó là Phan Chu Trinh, Nơ Trang Long và Lê Duẩn, là nơi giao nhau giữa quốc lộ 14 và quốc lộ 26.

Vào thời chiến tranh, nơi đây đã trở thành nhân chứng cho tội ác của thực dân Pháp khi quay lại đánh chiếm Buôn Mê Thuột và giết hại rất nhiều người dân vô tội ngay tại địa điểm này.

Lúc mới giải phóng, khu vực bùng binh trông còn rất hoang sơ, đầy cỏ dại, đường đất đỏ và rất lầy lội vào mùa mưa, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, diện mạo của thành phố nói chung và ngã 6 Ban Mê nói riêng đã thay đổi nhanh chóng.

Con đường giờ đây đã được rải nhựa phẳng lỳ và rộng thênh thang. Một nét xưa vẫn còn lưu giữ lại tại đây chính là nhà thờ Chánh Tòa, điểm nổi bật của ngã 6 Ban Mê và là nơi du khách rất thích thú ghi lại những hình ảnh đẹp trong chuyến đi Đăk Lăk. Còn lại là những công trình kiến trúc hiện đại như Đài tưởng niệm, khách sạn, trung tâm văn hóa, công ty du lịch Đăk Lăk, đài phát thanh truyền hình.

2. Du lịch Buôn Mê Thuột – Chùa Khải Đoan

Chùa sắc tứ Khải Đoan Đắk Lắk -
Chùa sắc tứ Khải Đoan Đắk Lắk

Một địa điểm du lịch chắc chắn sẽ nằm trong hành trình khám phá Buôn Mê Thuột đó là chùa Khải Đoan, ngôi chủa lớn nhất của thành phố Buôn Mê Thuột và là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến.

Tên chùa Khải Đoan xuất phát từ tên vua Khải Định và tên của vơi ông là Đoan Huy hoàng thái hậu. Chùa Khải Đoan còn được gọi là chùa sắc tứ Khải Đoan, nằm trên đường Phan Bội Châu. Từ thời vua Bảo Đại, mẹ của vua xây dựng và hoàng hậu Nam Phương là người trực tiếp quản lý công việc thi công.

Vì được xây dựng từ bàn tay khéo léo của các thợ cố đô Huế nên chùa mang nét đẹp xưa của kiến trúc nhà rường Huế. Chùa được xây dựng theo kết cấu chữ Tam, trước là cổng Tam quan, giữa là chánh điện, sau là nhà hậu tổ cách nhau một khoàng sân rộng. Ngoài tổng thể kiến trúc thì nội thất và tạo hình bên trong chùa rất đẹp. Giữa chánh điện là tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 1,1 m, đài sen bằng gỗ cao 0,35 m được trang trí nhiều hoa văn rất sắc sảo. Gian bên phải chánh điện là một chiếc chuông đồng lớn được đúc với kỹ thuật rất tinh xảo, phần trên khắc 4 chữ “Khải Đoan Chung Tự”. Dưới thân chuông là 8 con rồng đôi quay vào nhau, biểu tượng cho “lưỡng long triều nguyệt”.

Chùa Khải Đoan là cái nôi của sinh hoạt Phật Giáo Đăk Lăk và đã trở thành nơi mà các tín đồ phật giáo cũng như khách hành hương đến chiêm bái.

3. Biệt Điện Bảo Đại

Hai biệt điện phục vụ ăn chơi cho vua Bảo Đại ở Đắk Lắk
Hai biệt điện phục vụ ăn chơi cho vua Bảo Đại ở Đắk Lắk

Biệt điện Bảo Đại là một di tích lịch sử, trước đây là Tòa nhà Công sứ của chính phủ Pháp tại Tây Nguyên, tọa lạc tại số 4 đường Nguyễn Du. Ngày nay, nơi đây đã được chuyển thành khu bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đăk Lăk.

Khi đến thăm Biệt Điện Bảo Đại, một số du khách sẽ liên tưởng đến nhà rông, một số khác lại nghĩ đến nhà sàn của người Êđê hoặc nhà trệt của người M’Nông. Chung quy thì Biệt Điện mang đậm dáng dấp của nét kiến trúc Tây Nguyên núi rừng, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc khác nhau.

Biệt Điện đã tồn tại trên 80 năm và hiện đang lưu giữ rất nhiều hiện vật và hình ảnh có giá trị lịch sử to lớn, tái hiện thời kỳ nhân dân ta chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Không gian bên ngoài của Biệt Điện có thể ví như một mô hình thu nhỏ của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ với nhiều cây nguyên sinh hay cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nổi bật còn có 2 cây long não đứng 2 bên cổng Biệt Điện với chu vi trên 8m và diện tích tán là bao phủ hơn 200m2.. Các loại cây khác như bằng lăng ổi, sao đen, châm múi nhọn. Ngoài ra còn có không gian trưng bày cồng chiên Tây Nguyên, các vấn đề về bản sắn văn hóa dân tộc, thể hiện nét phong phú trong màu sắc văn hóa của 44 dân tộc sinh sống tại Đăk Lăk.

Đây là địa điểm tốt nhất để bạn có thể tìm hiểu và khám phá về lịch sử, địa lý và nét văn hóa đa màu sắc của các dân tộc Tây Nguyên. Chắc chắn sau khi ra về, bạn đã trang bị được cho mình một lượng thông tin bổ ích về vùng đất này.

4. Nhà đày Buôn Mê Thuột

Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột
du lịch Buôn mê Thuột nhà Đày

Một địa danh di tích lịch sử nữa mà du khách không thể bỏ qua khi đến Buôn Mê Thuột đó chính là Nhà đày – nơi đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia.

Nhà đày nằm tại số 18, đường Tân Thuật, phường Tự An, là một địa chỉ đỏ có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, giáo giục các thế hệ về truyền thống yêu nước của cha ông ta. Nhà đày là nơi giam giữ rất nhiều các chiến sĩ vì nước quên thân và ươm mầm cho các hạt giống cách mạng. Các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh của nhân dân ta đã từng có thời gian rèn luyện cách mạng đó là Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu…Một chuyến ghé thăm Nhà đày sẽ cho bạn cái nhìn sống động nhất về thời kỳ đen tối trước kia, để thấy được sự tàn bạo của bọn thực dân Pháp đối với dân tộc ta.

Nhà đày đã được trùng tu rất nhiều lần và hiện đã mở cửa tham quan đón du khách. Nhà đày có diện tích trên 2 ha với 4 bức tường bao quanh cao 4m, dày 40 cm, ngày xưa 4 góc đều có vọng gác và lính canh 24/24 giờ. Phía trong có 6 dãy tù lao giam giữ các tù nhân và bên cạnh cổng chính ở phía Nam là dãy xà lim giam giữ tù chính trị mà thực dân Pháp cho là nguy hiểm. Theo cách xây dựng nhà tù theo kiểu Pháp thì sẽ tận dụng không gian một cách triệt nên tất cả đều được bố trí khép kín, lại vừa giám sát tù nhân hiệu quả.

Từng hình ảnh tái hiện lại cảnh tra tấn đau đớn và dã man của bọn thực dân Pháp đối với các chiến sĩ cách mạng sẽ khiến bạn không khỏi đau lòng và mờ lệ với lòng kính phục và biết ơn sâu sắc dành cho những người có công với cách mạng. Thời kỳ đen tối đã qua đi nhưng những di tích lịch sử như Nhà đày sẽ vẫn còn khắc khoải nỗi đau của dân tộc ta trong thời chiến tranh, nhắc nhở các thể hệ sau đừng quên đi công ơn của cha ông ta đi trước.

5. Hoa viên Buôn Mê Thuột

Hoa viên Buôn Ma Thuột - Điểm đến
Hoa viên Buôn Ma Thuột – Điểm đến

Hoa viên Buôn Mê Thuột nằm ngay trung tâm thành phố và là nơi thu hút cả người dân địa phương lẫn du khách đến tản bộ và ngắm hoa. Hoa viên được xây dựng đậm nét Tây Nguyên với vườn hoa, vườn chim thu nhỏ, động nhân tạo…Du khách có thể thư thả đi dạo hoặc ngồi nhâm nhi ly café phố núi.

6. Du lịch Buôn Mê Thuột – Bản Đôn

TOUR TÂY NGUYÊN - BUÔN MÊ THUỘT - BẨN ĐỒN
TOUR TÂY NGUYÊN – BUÔN MÊ THUỘT – BẨN ĐỒN

Bản Đôn là vùng đất để bạn có thể khám phá sự huyền bí của núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn cũng như nét văn hóa đặc trưng của con người nơi đây. Hiện Bản Đôn là một trong những địa điểm du lịch chính của Buôn Mê Thuột, nằm trên địa bàn xã Krôngna, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk, cách trung tâm thành phố 40 km về phía Tây Bắc theo hướng tỉnh lộ.

Hẳn khi còn nhỏ, bạn cũng đã từng một lần ngân nga bài hát “chú voi con ở Bản Đôn”. Bản Đôn nổi tiếng với truyền thống săn bắt và thuần dưỡng những chú voi. Vì thế đến đây, du khách sẽ có dịp cưỡi trên những chú voi to lớn đi lững thững và ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Sẽ rất thích thú khi ngồi trên lưng những chú voi và thu vào tầm mắt cảnh núi rừng bao la hay dòng sông Serepốk  hùng vĩ. Serepốk  là dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi Đăk Lăk nên bạn sẽ có một chút cảm giác mạo hiểm khi các chú voi bắt đầu lội xuống nước và vượt sông. Nhưng đừng lo, những chú voi đã được thuần dưỡng và huấn luyện kỹ càng nên bạn chỉ cần giữ chắc tay ghế và tiếp tục chiêm ngưỡng dòng sông và cảnh núi non hùng vĩ. Với giá 600.000 cho 3 người cưỡi voi trong vòng 1 tiếng rưỡi tham quan Bản Đôn chắc chắn sẽ mang lại trải nghiệm khó quên trong lòng các du khách.

Bản Đôn là nơi lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch sinh thái. Ngoài cưỡi voi, bạn còn có thể thuê một chiếc thuyền độc mộc để trôi theo dòng sông SêrêPôk giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ, kỳ bí. Nếu ở lại đến tối, bạn sẽ cảm nhận được sự âm u và hoang sơ của núi rừng trùng trùng điệp điệp hơn bao giờ hết, từ âm thanh xào xạc của là cây đung đưa trong gió, tiếng thác nước, đến tiếng thú đêm. Sẽ rất thú vị nếu được quây quần bên đống lửa và hòa theo nhịp cồng chiên và điệu nhảy của những chàng trai, cô gái Bản Đôn hoặc ngồi nghe các già làng kể những câu chuyện truyền thuyết về núi rừng Tây Nguyên.

Mộ vua voi

Đến Bản Đôn, bạn đừng bỏ qua dịp thăm mộ vua voi Khun Yu Nốb, người đã săn bắt được 400 con voi. Chính vua Bảo Đại đã xây dựng phần mộ với kiến trúc Mo’Nông và Lào nhằm tỏ lòng cảm tạ về con voi trắng mà vua voi đã ban tặng và lực lượng voi hùng hậu được vua voi xây dựng. Và kế bên mộ vua voi là mộ của người kế tục sự nghiệp vua voi R,leo K,Nul được xây dựng theo lối kiến trúc chóp nhọn của Campuchia.

Nhà sàn cổ

Nằm trong quần thể khu du lịch Bản Đôn còn có Nhà sàn cổ, nhà của vua voi Khun Yu Nốb và có tuổi thọ đã trên 115 năm tuổi. Ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc của dân tộc Lào và điều đặc biệt là được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ tốt của núi rừng Tây Nguyên như gỗ Hương, Căm Xe, Cà Chít… Giá của ngôi nhà ngày đó là 10 con voi lớn và phải mất đến 3 năm để hoàn thành xây dựng.

Trong nhà lưu giữ rất nhiều hiện vật như đồ nghề và hình ảnh bắt voi để tái hiện lại cho du khách hiểu thêm về cuộc đời săn bắt và thuần dưỡng voi của vua voi.

Đến Bản Đôn, du khách còn thưởng thức và mua về rượu Ama Kông, tên loại rượu xuất phát từ tên của cháu ngoại vua voi Khun Yu Nốb.  Rượu được ngâm từ các loại lá, thân và rễ của cây Trong, loại cây mọc trong chốn rừng sâu Buôn Đôn.

Người ta nói nếu đến Buôn Mê Thuột mà chưa đến Bản Đôn thì xem như chưa đến đây. Vì thế, hãy trải nghiệm một chuyến đi khám phá Bản Đôn để hòa nhập với đời sống vùng núi, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên bạt ngàn, và nhất là thử cảm giác lắc lư trên lưng những chú voi Bản Đôn.

7. Du lịch Buôn Mê Thuột – Tòa giám mục

Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột
Tòa Giám du lịch Mục Ban Mê Thuột

Tòa giám mục này nằm trên đường Phan Châu Trinh, cách trung tâm ngã 6 khoảng 600 m. Tòa giám mục là một công trình có quy mô to lớn và được xây dựng bằng chất liệu chính là gỗ. Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc nhà dài của người Êđê và được bàn tay những người dân Êđê xưa khéo léo tạo nên.

Tòa giám mục là công trình kiến trúc được bà Boni Pacxo – kiến trúc sư và họa sĩ nổi tiếng người Áo ấp ủ ý tưởng và xây dựng. Bà đén Đông Dương làm công tác xã hội và từ thiện và rất ấn tượng với phong cách kiến trúc và nét văn hóa Êđê nên đã ấp xây dựng tòa giám mục này. Chính vì được xây dựng theo lối kiến trúc nhà dài nên nếu không có tượng chúa Giêsu bị đóng đinh thì hẳn chúng ta cũng khó nhận ra đây là một tòa giám mục.

Công trình được xây dựng gồm nhiều dãy nhà nối tiếp nhau và cách nhau khoảng 3m. Khung cảnh thiên nhiên xung quanh cũng đóng một phần rất quan trọng trong việc tạo nên một phông nền hoản hảo cho công trình kiến trúc đặc biệt này với nhiều cây cối, vườn hoa, bể nước và hòn non bộ được bố trí rất sinh động và nghệ thuật.

Từ năm 1967, giáo phận Buôn Mê Thuột được sử dụng là Tòa giám mục Buôn Mê Thuột. Nơi đây cũng là nét khắc họa rất riêng của thành phố núi, thu hút du khách thập phương, nhất là đối với những du khách theo tín ngưỡng Công giáo.

8. Lễ hội café Buôn Mê Thuột

Đây là lễ hội lớn ở Tây Nguyên và được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần nhằm quảng bá hình ảnh và thương hiệu cây café, loại cây trồng chính tại đây và chiếm đến 60% sản lượng café cả nước. Lễ hội là một sân chơi chung cho các doanh nghiệp café trong nước và cả trên thế giới. Đến với lễ hội, du khách sẽ được tìm hiểu về quy trình, cách thức sản xuất và chế biến café. Nhân dịp này, lễ hội còn giới thiệu đến du khách bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Du khách sẽ được hòa vào không khí sôi động và tràn đầy sắc màu của lễ hội với xe hoa diễu hành, múa lân, cồng chiên, các vũ điệu cùng nhiều cuộc thi và trò chơi hấp dẫn…

Viết một bình luận